Sáng ngày 02/3/2023, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU) tổ chức Hội nghị lần 3 với chủ đề “Vai trò, tác động của bảo đảm chất lượng, kiểm định chất lượng và đối sánh trong đánh giá chất lượng giáo dục đại học”. Hội nghị chất lượng lần 3 được tổ chức với mục tiêu: (i) Phát triển hoạt động định kỳ 02 năm/ lần về việc tổ chức Hội nghị Chất lượng giáo dục đại học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành nhằm lan tỏa những giá trị của công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (ii) Cùng nhìn lại 05 năm kiện toàn và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, các thành tựu về kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà trường cũng như lắng nghe ý kiến chia sẻ từ các bên liên quan; và (iii) Định hướng chiến lược mảng bảo đảm chất lượng giai đoạn 2023-2025 với tầm nhìn, sứ mạng mới của Nhà trường theo định hướng đại học đổi mới sáng tạo.
Hội nghị có sự hiện diện của PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Trưởng Phòng Kiểm định chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo; GS.TS.NGND. Nguyễn Hữu Đức, Nguyên Phó Giám đốc ĐHQG-Hà Nội, Tổ trưởng Tổ tư vấn Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2021, chủ tịch sáng lập UPM. GS.TSKH.NGND. Bành Tiến Long, Nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo Chủ tịch Hội Nghiên cứu và biên tập công trình khoa học công nghệ Việt Nam (VASE); PGS.TS. Phạm Văn Tuấn, Trưởng phòng Khảo thí và ĐBCL giáo dục, Trường Đại học Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng; TS. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Khảo Thí và Đánh giá Chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời là Tư vấn viên Bảo đảm Chất lượng tại trường Đại học Fulbright Việt Nam; cùng Giám đốc các trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, đại diện các trường đại học Vinh, trường đại học Fulbright, Trường ĐH Kinh tế Nghệ An. Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có: Bà Nguyễn Mai Lan; Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Trần Ái Cầm; Hiệu Trưởng Nhà trường; cùng đại diện Hội đồng Trường, Ban giám hiệu và các đơn vị phòng ban, và quý thầy cô là lãnh đạo, là cán bộ, giảng viên nhà trường tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bà Nguyễn Mai Lan Chủ tịch Hội đồng Trường đã gửi lời cảm ơn đến các đại biểu tham dự. Bà cũng mong muốn các thầy cô trong Trường lắng nghe, thảo luận, mạnh dạn đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của đơn vị mình, cũng như của Trường cho các vấn đề như tích hợp đổi mới sáng tạo với đảm bảo chất lượng, đo lường đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng tại khoa và đơn vị trực thuộc là cơ sở cho Hội đồng trường có những Quyết nghị chỉ đạo phù hợp.
Trong báo cáo đề dẫn Hội nghị, TS. Trần Ái Cầm nhấn mạnh, dựa trên các kết quả đã đạt trong công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành thực hiện đánh giá nhằm nhìn nhận và so sánh các hoạt động theo định hướng phát triển của Nhà trường về đổi mới sáng tạo tổng thể các hoạt động, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, vấn đề đội ngũ đáp ứng được yêu cầu mới, về đào tạo tập trung vào thiết kế và đo lường chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học gắn kết với đào tạo.
Chương trình Hội nghị chất lượng lần 3 được tiếp tục với ba phiên nội dung:
Phiên 1: Báo cáo tham luận về “Vai trò, tác động của bảo đảm, kiểm định và đối sánh chất lượng giáo dục đại học”, với 4 tham luận:
- Tham luận 1: “Nhận diện GDĐHVN qua kết quả kiểm định chất lượng, xếp hạng, xếp hạng đối sánh và các thách thức của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành” – GS.TS.NGND. Nguyễn Hữu Đức.
- Tham luận 2: “Đổi mới sáng tạo và đảm bảo chất lượng trong quản trị đại học, dạy và học – nền tảng phát triển bền vững của GDĐHVN” – GS.TSKH.NGND. Bành Tiến Long.
- Tham luận 3: “Bài học kinh nghiệm về đánh giá theo chuẩn đầu ra đo lường mức độ đạt chuẩn đầu ra của các Đại học ASEAN” – PGS.TS. Phạm Văn Tuấn.
- Tham luận 4: “Chia sẻ kinh nghiệm đo lường và đánh giá chuẩn đầu ra của các Trường Đại học Philippines” – TS. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc
Phiên 2: Trao đổi bàn tròn về “Thực tiễn quá trình đo lường kết quả đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo từ góc nhìn của doanh nghiệp”
Phiên 3: Trao chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT.
Hình ảnh các diễn giả (từ trên xuống): GS.TS.NGND. Nguyễn Hữu Đức, GS.TSKH.NGND. Bành Tiến Long, PGS.TS. Phạm Văn Tuấn và TS. Nguyễn Thị Mỹ Ngọc trình bày tham luận tại hội nghị
Tại phiên thứ hai trao đổi bàn tròn xoay quanh chủ đề: Thực tiễn quá trình đo lường kết quả đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo từ góc nhìn của các bên liên quan, với sự tham gia của PGS.TS Huỳnh Văn Chương, GS.TS.NGND Nguyễn Hữu Đức, Khách mời đến từ Doanh nghiệp: Ông Bùi Tiến Đạt, Giám đốc nhân sự Đông Phương Group, Ông Nguyễn Quang Kỳ, Giám đốc điều hành Công Ty Tnhh Thương Mại Dịch Vụ Phương Quân; TS Nguyễn Kim Quốc, Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin, và TS. Trần Ái Cầm dẫn chương trình. Qua trao đổi, các đại biểu cũng nhìn nhận cơ quan quản lý cấp bộ ngành đã có sự quan tâm, nhấn mạnh việc đo lường đánh giá chuẩn đầu ra CTĐT trong các Thông tư, là cơ sở để các trường đại học chuyển mình, thầy cô, giảng viên thay đổi cách tiếp cận để đảm bảo chất lượng không chỉ đầu vào mà còn đánh giá được đầu ra của người học. Đo lường không nhất thiết phải đạt 100% mà cần đo những năng lực cốt lõi, mang giá trị gia tăng, phù hợp với từng đối tượng người học tại các vùng miền khác nhau. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã triển khai đo lường chuẩn đầu ra từ các bên liên quan gồm sinh viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức phiên thứ ba là Lễ trao chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT cho 03 chương trình đào tạo (trình độ đại học) được đánh giá bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục ĐHQG-HCM (Điều dưỡng, Việt Nam học, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử); và 04 chương trình đào tạo được đánh giá bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long (ngành Quản trị nhân lực trình độ đại học; ThS. Quản trị kinh doanh; ThS. Tài chính ngân hàng; ThS. Du lịch). Theo kết quả được công bố, tỷ lệ số tiêu chí đạt yêu cầu của chương trình thạc sĩ Du lịch là 90%; chương trình thạc sĩ Tài chính ngân hàng chiếm 86%; chương trình thạc sỹ Quản trị Kinh doanh chiếm 92%; các chương trình: Quản trị nhân lực chiếm 90%; Công nghệ Kỹ thuật cơ điện tử chiếm 96%; Điều dưỡng chiếm 92% và Việt Nam học chiếm 98%.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã có tổng cộng 16 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng theo Thông tư 04 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, 08 chương trình đào tạo đạt chuẩn AUN-QA, 04 chương trình đào tạo gắn sao theo Hệ thống xếp hạng đối sánh UPM. Có thể thấy Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã áp dụng đa dạng bộ tiêu chuẩn gồm Thông tư 12/2017, Thông tư 04/2016 của Bộ GD&ĐT, AUN-QA, QS Stars, UPM để quản trị, giúp Nhà trường đo lường chất lượng tổng thể theo định hướng phát triển, hội nhập quốc tế. Trường cũng đã 2 lần tham gia kiểm định chất lượng giáo dục cấp cơ sở với kết quả tái kiểm định đạt 97%, duy trì gắn sao QS Stars 4 sao, đạt 5 sao theo UPM, đây là nỗ lực đáng ghi nhận của Nhà trường trong suốt 24 phát triển.
Giám đốc các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục trao chứng nhận cho lãnh đạo các khoa
Kết thúc Hội nghị, để sơ kết chiến lược phát triển Trường Đại học Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2021 – 2025, chuyển tiếp từ định hướng ứng dụng sang đổi mới sáng tạo, TS. Trần Ái Cầm phát biểu: “Chất lượng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành sánh vai với nhóm 20 trường đại học trong hàng đầu Việt Nam thông qua mô hình quản trị tiên tiến trên nền tảng đa dạng các bộ tiêu chuẩn chất lượng. Trong đó, nhà trường chú trọng gia tăng tự chủ trên nền tảng đảm bảo chất lượng, chuyển từ đào tạo nội dung sang đào tạo năng lực với tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tập trung vào đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra, chuyển dần từ nghiên cứu tập trung công bố bài báo sang đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số để chuyển dần sang đào tạo cá thể hóa, trong đó một số chương trình đào tạo đã tiếp cận nghiên cứu đỉnh cao và đổi mới sáng tạo”.
Cùng chia sẻ với niềm vui về những thành tích mà Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đạt được, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương – Cục trưởng cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT, đã gửi lời chúc mừng tới tập thể thầy qua đồng thời đề xuất Nhà trường tiếp tục dành sự quan tâm và nguồn lực thích đáng nhằm thực hiện cam kết dài hạn của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đối với công tác đảm bảo chất lượng; tiếp tục ủng hộ và đầu tư bồi dưỡng nhân sự có chuyên môn, tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ nhân sự làm công tác đảm bảo chất lượng nhằm lan tỏa những kinh nghiệm quý báu của Nhà trường tới toàn hệ thống giáo dục đại học.
Sự chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức của các diễn giả và đại diện các bên liên quan tại Hội nghị đã giúp cho các cấp quản lý và cán bộ, nhân viên, giảng viên nhà trường càng hiểu rõ hơn thực trạng, những thách thức cũng như cơ hội trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục. Trong giai đoạn 2023 – 2025, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xác định các mục tiêu trọng điểm về các lĩnh vực: Quản trị, Hợp tác quốc tế, Đảm bảo chất lượng, Đào tạo, Nghiên cứu khoa học, Người học và Phục vụ cộng đồng; từ đó thích ứng với bối cảnh VUCA (Biến động, Không chắc chắn, Phức tạp và Mơ hồ) và sự thách thức khi công nghệ ngày càng phát triển vượt bậc (AI, CHAT GPT).
Phòng Đảm bảo chất lượng