Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã sử dụng tự đánh giá như là công cụ để cải tiến chất lượng. Thông qua công tác tự đánh giá, tất cả cán bộ, giảng viên và nhân viên ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò của hoạt động bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học; Nhà trường tiếp tục kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong và bước đầu hình thành văn hóa chất lượng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Công tác tự đánh giá giúp Nhà trường và từng đơn vị trong toàn Trường nhận diện được những điểm mạnh và những tồn tại nhằm xây dựng các chủ trương, biện pháp, kế hoạch cải tiến, điều chỉnh các nguồn lực và quá trình thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đề ra.
Tự đánh giá (TĐG) là điều kiện cần thiết để Nhà trường đăng ký đánh giá ngoài và đề nghị được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Ngoài ra, TĐG và đề nghị công nhận đạt chuẩn chất lượng còn thể hiện tính tự chủ, tính tự chịu trách nhiệm của Nhà trường trong toàn bộ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với tầm nhìn và sứ mạng đã được xác định.
Đến nay, Nhà trường đã hoàn thành 02 chu kỳ kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục:
Tại chu kỳ kiểm định thứ nhất (giai đoạn 2012-2016): Nhà trường đã tiến hành các hoạt động TĐG theo đúng kế hoạch đã ban hành và Báo cáo TĐG của Trường được viết phù hợp với hướng dẫn trong công văn 462/KTKĐCLGD-KĐĐH; thực hiện báo cáo với cơ quan chủ quản là Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo, đăng ký đánh giá ngoài và tổ chức thực hiện với Trung tâm KĐCLGD. Kết quả đánh giá chu kỳ 1 với mức Đạt, chiếm tỷ lệ 80.33%. Các khuyến nghị của Đoàn đánh giá ngoài đã được Nhà trường tổ chức họp và triển khai các hoạt động cải tiến để khắc phục các điểm tồn tại và phát huy các điểm mạnh để không ngừng cải tiến chất lượng. Căn cứ trên Chiến lược phát triển của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2016-2020, Bảng chỉ tiêu chiến lược các mảng công tác giai đoạn 2018-2020, Nhà trường tiếp tục triển khai các hoạt động cải tiến sau đánh giá ngoài thông qua các Nhóm công tác, chuẩn bị các điều kiện để báo cáo rà soát giữa chu kỳ kiểm định vào tháng 11/2019 giai đoạn 5 năm 2017-2022. Theo đúng quy định, sau 2,5 năm (giữa chu kỳ kiểm định), Nhà trường đã thực hiện công tác TĐG, hoàn tất báo cáo giữa kỳ và gửi đến Trung tâm KĐCLGD. Tại thời điểm báo báo giữa kỳ, Nhà trường đã hoàn thành việc cải tiến cho 124/132 khuyến nghị (đạt 93,9%) của đoàn đánh giá ngoài. Đối với một số khuyến nghị chưa hoàn thành (của Tiêu chuẩn 2, 7, 8, 9), Nhà trường thông qua các Nhóm công tác tiếp tục xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện trong năm 2020. Đến cuối năm 2021, khi bắt đầu TĐG cơ sở giáo dục chu kỳ 2, tất cả các khuyến nghị của đoàn đánh giá ngoài đều đã được cải tiến.
Tại chu kỳ kiểm định thứ 2 (giai đoạn 2017-2021): Nhà trường đã tiến hành các hoạt động TĐG theo đúng kế hoạch đã ban hành và Báo cáo TĐG của Trường được viết phù hợp với hướng dẫn theo Thông tư 12/2017/TT-BGDĐT, ngày 19/5/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện báo cáo với cơ quan chủ quản là Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo, đăng ký đánh giá ngoài và tổ chức thực hiện với Trung tâm KĐCLGD. Kết quả đánh giá chu kỳ 2 với mức Đạt, chiếm tỷ lệ 97.3%. Các khuyến nghị của Đoàn đánh giá ngoài đã được Nhà trường tổ chức họp và triển khai các hoạt động cải tiến để khắc phục các điểm tồn tại và phát huy các điểm mạnh để không ngừng cải tiến chất lượng hằng năm. Kết quả những hoạt động cải tiến sau đánh giá ngoài cấp cơ sở giáo dục năm học 2023-2024 như sau: mảng đảm bảo chất lượng về chiến lược đạt 80% kế hoạch đề ra; mảng đảm bảo chất lượng về hệ thống đạt 87,5% kế hoạch đề ra; mảng đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng đạt 66,7% kế hoạch đề ra; mảng kết quả hoạt động đạt 77,8% kế hoạch đề ra.
Quá trình tổ chức triển khai các hoạt động cải tiến sau đánh giá ngoài trong 2.5 năm vừa qua (tính đến hết tháng 12/2024) đã ghi nhận những kết quả tích cực, trong số 118 khuyến nghị từ 25 tiêu chuẩn của Đoàn đánh giá ngoài, Nhà trường đã thực hiện, đạt yêu cầu cũng như vượt mong đợi ở nhiều lĩnh vực với 100/118 khuyến nghị đã được khắc phục, chiếm tỷ lệ 84,7%. Cụ thể: mảng đảm bảo chất lượng về chiến lược đạt 50% kế hoạch đề ra; mảng đảm bảo chất lượng về hệ thống đạt 62,5% kế hoạch đề ra; mảng đảm bảo chất lượng về thực hiện chức năng đạt 66,7% kế hoạch đề ra; mảng kết quả hoạt động đạt 55,6% kế hoạch đề ra. Trong thời gian tới, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các khuyến nghị của Đoàn đánh giá ngoài cơ sở giáo dục, Nhà trường tiếp tục kiện toàn và phát triển các hoạt động dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về chuẩn cơ sở giáo dục theo Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT; kiện toàn và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn, năng lực và trải nghiệm thực tiễn nghề nghiệp theo Thông tư số 12/2024/TT-BGDĐT; thúc đẩy, phát huy hiệu quả và lan tỏa hơn hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tài nguyên giáo dục mở, năng lực số… Các chương trình hoạt động và các chỉ tiêu này sẽ được thể hiện trong văn bản Chiến lược phát triển Trường giai đoạn mới (sau khi Nhà trường tổng kết Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035).
Phòng Đảm bảo chất lượng